Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Bài học từ tài xế của Tỷ phú Lý Gia Thành

Đây là câu chuyện về người tài xế của Lý Gia Thành, tỷ phú Hong Kong. Ông tài xế này sau 30 năm lái xe cho Lý Gia Thành cũng đến tuổi nghỉ hưu. Lý Gia thấy vậy liền ngỏ ý tặng cho ông số tiền 2 triệu đô Hong Kong (khoảng 280 ngàn $) làm tiền dưỡng già.

Tài xế liền từ chối và nói rằng bản thân mình đã để dành được 20 triệu đô Hong Kong từ khi lái xe cho Lý Gia.
Lý Gia Thành thấy lạ liền hỏi; mỗi tháng lương của lái xe khoảng 6000 đô HK vậy làm sao trong 30 năm lại có 20 triệu đô HK?
Ông tài xế trả lời: mỗi lần nghe ông nói chuyện qua điện thoại muốn mua mảnh đất nào hay cổ phiếu nào sắp lên giá là tôi liền ghi chép và lấy tiền tiết kiệm mua một ít. Bây giờ tính ra số tài sản đó cũng được 20 triệu đô rồi.

Lý Gia Thành, tỷ phú Hong Kong


GẦN MỰC THÌ ĐEN GẦN ĐÈN THÌ RẠNG!

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Một cách làm để trở nên giàu có

 “Hãy ngồi xuống, tự vẽ ra một cuộc sống cá nhân thông minh nhất". Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 6 triệu đồng, hãy chia làm 6 phần 

Trên đường băng

Tony vừa đi ăn cơm với Lim, một triệu phú người Singapore về. Lim học không giỏi, chỉ tốt nghiệp 1 khóa dạy nghề nhà hàng. Ban đầu Lim đi phụ bếp, lên đầu bếp rồi tích lũy ra riêng, mở chuỗi nhà hàng, đầu tư bất động sản, công nghệ, sang nước ngoài mua các dự án…

Tony dắt theo 1 con dượng để hạc hỏi. Bạn hỏi Lim, bạn là một người vừa đi làm, với thu nhập hiện nay là 6 triệu đồng, tức 300 USD, ở Sài Gòn, bạn muốn cất cánh thì phải làm sao?

Lim ngồi vạch ra một lộ trình, nói đây là nội dung Lim được học ở một khóa Entrepreneurship. Tony thấy khá hay nên ráng nhớ lại, diễn theo ngôn ngữ của mình, mời các bạn theo dõi.

Hãy ngồi xuống, tự vẽ ra một cuộc sống cá nhân thông minh nhất

------------------------------------------------------------
“Hãy ngồi xuống, tự vẽ ra một cuộc sống cá nhân thông minh nhất. Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 6 triệu đồng, hãy chia làm 6 phần

 1. Ở : nếu ở trọ, hãy tìm nhà trọ ở xa nhất mà có thể kết nối với chỗ làm bằng phương tiện công cộng. Ví dụ ở tp HCM, nên ở Suối Tiên/An Sương chẳng hạn, có hàng chục chuyến xe buýt vô chợ Bến Thành (sau này theo Metro số 1,2). Lúc ngồi trên xe buýt cũng là lúc quan sát xã hội từ trên cao, người đi xe máy xe hơi đều thấp hơn bạn. Không nên vật lộn với việc tự lái xe. 30 phút lái xe là 30 phút bạn lãng phí cho sự căng thẳng, nguy cơ tai nạn, hít khói bụi làm giảm tuổi thọ. Đi bộ từ trạm xe buýt đến nơi cần đến giúp tim bạn khỏe mạnh. Nếu đi xe buýt mất 1h30 và tự lái xe mất 30 phút, hãy chọn đi xe buýt. Đám đông chỉ đi xe cá nhân, mình ngược lại với đám đông, đã sao? Tại sao bạn muốn nhảy vô 5% người giàu có mà không từ bỏ được tư duy của 95% còn lại? Có việc nhỏ vậy mà bạn không dám thoát ra, thì việc lớn làm gì được? Sự sáng tạo mới đem lại cho bạn của cải và sự thú vị. Mà sự sáng tạo chỉ có khi đầu óc thảnh thơi. Sẵn sàng bỏ 2-3h mỗi ngày từ trên cao để quan sát, nghĩ lớn, ước mơ lớn. Không ai đánh thuế ước mơ. Đừng tư duy “1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh” cho nhỏ hẹp cuộc đời. Tại sao không thể sở hữu các tòa cao ốc, các chung cư, các trung tâm thương mại, các nhà máy xí nghiệp, máy bay, du thuyền? Không cần chia sẻ điều này với ai, mắc công họ nói mình khùng. Vì con cò không hiểu được đại bàng suy nghĩ gì đâu. Lim kể, lúc ảnh làm phụ bếp, đang rửa thớt thì buộc miệng nói sau này mở chuỗi nhà hàng 30 cái toàn Đông Nam Á, ông bếp trưởng chửi big illusion, đòi tạt sốt cà chua vô mặt. Giờ Lim có 100 cái nhà hàng còn ông đầu bếp kia tới gặp Lim nộp đơn xin việc.

2. Ăn: Hãy dậy thật sớm, nấu cơm, xôi, mì. Nấu thêm để mang theo ăn trưa hoặc ăn ổ bánh mì, dĩa cơm bình dân nơi gần nhất. Mình nên ăn chay rau củ quả ở mức hấp/luộc, sẽ không có gì cả đâu nếu vài ngày trong tuần bạn không ăn thịt. Người ăn chay vẫn thông minh đẹp đẽ như thường. 90% kỹ sư IT người Ấn Độ ở Silicon Valley ăn chay. Mình ăn chay không phải vì tôn giáo mà vì sức khỏe. Thỉnh thoảng vẫn cứ quất thịt cá…nhưng nếu nấu cho 1 mình mình ăn, đừng tốn thời gian. Cứ cá chiên/trứng luộc, rau củ quả hấp, trái cây là đủ. Không tốn thời gian cho việc ăn.

3. Chơi: Nên mời bạn bè 2 lần một tháng, ăn đơn giản thôi. Nhóm 4 người, mỗi đứa 2 lần, 1 tháng mình có 8 lần gặp gỡ. Hãy chọn những người hiểu biết, thu nhập cao hơn mình, đang làm công ty lớn, đang khởi nghiệp,…để nghe họ nói chuyện đời. Cá mập thì quây quần dưới đáy sâu. Cá lòng tong thì nhao nhao trên mặt nước, cạnh tranh khốc liệt việc đớp bọt. Khoe quần áo, bàn chuyện ca sĩ này diễn viên kia, bình luận tò mò Tony buổi sáng là ai, viết thế này đúng viết thế kia sai…chỉ có ở đám lòng tong. Đám cá lớn sống im lặng.

4. Học: Phải dành 10 USD=200 ngàn tiền mua sách/tháng. Người vĩ đại trên khắp thế giới, ngoài tủ rượu ra, trong nhà họ còn có tủ sách. Hãy đọc sách dạy làm người, làm giàu, sách kinh tế, sách văn chương, sách nấu ăn hoặc bất cứ sách gì ưa thích. Kiến thức rộng sẽ giúp mình làm ăn rộng. Khi đi làm, việc nói giỏi, cái gì cũng biết khiến công việc trôi chảy hơn. Tháng này bạn chưa bỏ ra 200 ngàn mua sách thì coi như thua. Đọc xong sách, kể lại nội dung cho bạn bè. Đừng giấu. Nếu có khóa học nào đó, nên đăng ký, hoặc dồn lại vài tháng làm 1 khóa, nhớ học với người thành đạt thật sự, tức người có điều hành công ty lớn, bậc trí nhân…chứ không phải nhóm mua môi múa mép.

5. Đi: Tháng để dành 1 triệu, năm sẽ có khoảng 12 triệu cho việc đi chơi. Ban đầu nên đi đường bộ sang các nước lân bang. Hãy tự thưởng mỗi năm một chuyến đi xa. Tết là thời điểm tốt để về thăm gia đình, rồi đi chơi trước khi vô làm trong năm mới. Nhất định phải đi nước ngoài mỗi năm một lần, để coi sông, coi biển, coi đại dương nó ra sao…có cái gì hay ho thì bắt chước, mang về làm ăn.

Trong tay nên có 1 cái smartphone loại bình dân để tra tìm bản đồ, hãy đặt vé máy bay/xe lửa/xe đò.. giá rẻ nhất (ví dụ airbnb là 1 trang web tìm nhà trọ rẻ).

6. Để dành: tháng TỐI THIỂU để dành 1 triệu. Cứ gửi ở ngân hàng, nhiều hơn có thể mua 5 phân hoặc 1 chỉ vàng, đó là vốn khởi nghiệp về sau.

Năm tới, nếu thu nhập vẫn 6 triệu, tự tát vô mặt. Muốn tăng lương, hãy cống hiến. Đừng sợ người khác không thấy nỗ lực của mình. Đừng “khôn” kiểu “tôi có được gì không, làm nhiều cho lắm thì lương cũng vậy”. Tư duy này khiến mình nghèo miết.

Hãy cố gắng làm thêm giờ. Bạn phải làm thêm việc ở cơ quan, đến sớm hơn, về trễ hơn. Trong lúc làm việc, tập trung cao độ, nhận nhiều việc của công ty giao, tự mở thêm các mối quan hệ trong công việc, tay kẹp ĐT, tay đánh máy, vừa đi vừa chạy...làm ầm ầm, ầm ầm vô.

Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười…cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa…rồi chết.

Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn?”. Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.

“Số phận em, số phận cá lòng tong,
thôi thì em cứ nhao lên mặt nước.
Mấy chuyện linh tinh em phải rành mới được
Tò mò bữa ni ca sĩ X ăn gì
Cầu thủ A đi xế hộp hiệu chi
Đại gia nào, diễn viên B đang cặp?

Trên FB em, những thông tin dồn dập.
“Hum nai em buồn nhẹ mí bạn ơi
Hum nai lòng em lại chơi vơi
Làm sao đây để thoát nghèo, mí bạn?”

Cứ mãi ở ao làng, rồi ao sẽ cạn
Sao không ra sông ra biển để vẫy vùng?
Sao cứ tự trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng?
Sao cứ mãi online và thở dài ngao ngán?
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán?
......
Trên đường băng sân bay mỗi đời người.
Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh.

Nguồn: https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/photos/a.512668602119337.138901.511088052277392/939984612721065/?type=1&fref=nf

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

"Vì sao mình giỏi mà không thành công bằng người?"

Có lần ngồi nhậu với anh bạn Vũ Nguyên Thành, tôi đã hợm hĩnh hỏi: “Em thấy mình cũng giỏi mà sao không thành công bằng người?”. Tôi nghĩ đây cũng là câu hỏi thường trực của nhiều bạn.

Tưởng ông bạn sẽ an ủi động viên là cứ kiên nhẫn, từ từ rồi khoai sẽ nhừ, hoặc cùng lắm là giải thích bằng số mệnh, nào ngờ hắn phang ngay: “Có giỏi gấp mười mà không biết hạn chế các Limiting Factor thì mãi vẫn thế thôi. Mức độ thành công của người lãnh đạo không phụ thuộc vào độ giỏi – giỏi là đương nhiên, là điều kiện cần - mà phụ thuộc vào các yếu tố giới hạn của anh ta”.

Tiến sĩ Vũ Nguyên Thành là chuyên gia về công nghệ sinh học. Hồi sinh viên bọn tôi thường thức thâu đêm trong ký túc xá Nhà Chính trên đồi Lê Nin, hút thuốc vặt, uống rượu, và bàn luận về Thuyết tiến hóa. Theo anh bạn, hình ảnh kỳ lạ nhất của thế giới sinh vật có lẽ là bức ảnh qua kính hiển vi điện tử của một chú virus đang tung ra chiếc vòi dài với chiều ngang chỉ mảnh cỡ vài phân tử, đầu vòi có móc nhọn, móc qua màng tế bào để xâm nhiễm vào cơ thể một con vi khuẩn, trông hệt như chiến thuyền Viking tung móc câu để đội cướp biển nhảy sang cướp các thương thuyền. Có điều ở đây không hiểu virus đã bắt chước đội Viking hay ngược lại.

Anh Thành giải thích về Limiting Factor của một hệ sinh vật. Để dễ hiểu lấy tạm hình ảnh một cây non đang lớn. Cây chỉ có thể phát triển và trưởng thành tốt nếu có đầy đủ các yếu tố cần thiết, là đất, phân bón, nước… để cung cấp dưỡng chất, là ánh sáng và khí trời để quang hợp. Nếu chỉ một trong các yếu tố đó bị hạn chế ắt cây sẽ không lớn được, còi cọc, thậm chí có thể chết. Ví dụ nếu thiếu nước thì dù có tăng cường các yếu tố khác như cho thật nhiều ánh sáng, hay bón nhiều phân… cây vẫn chỉ lớn được đến một giới hạn được xác lập bởi chính yếu tố thiếu nước.

Tổng quát hơn, năng lực của một hệ thống không bao giờ vượt qua và luôn bị khống chế chính bởi yếu tố giới hạn của hệ thống đó, cho dù các yếu tố khác trong hệ thống không bị giới hạn.

Lấy thêm một ví dụ. Bạn có chai La Vie đựng được 1 lít. Nếu chiếc chai bị một lỗ dò ngang thân (chính là yếu tố giới hạn cho khả năng trữ nước của chai), nước sẽ chảy ra và khả năng chứa nước của chai chỉ còn lại ngang mức xấp xỉ với vị trí lỗ dò trên thân. Chai có thể chứa được không tới nửa lít.

Hình ảnh dễ hiểu về Limiting Factor: để thùng chứa được nhiều nước hơn phải tăng được chiều dài của thanh gỗ ngắn nhất, chứ không phải của những thanh dài hơn.

Nói vậy để hiểu rằng mỗi người chúng ta, cho dù năng lực có tốt đến đâu nhưng vẫn sẽ bị những yếu tố giới hạn khống chế, và làm phung phí đi tài năng, như nước bị trào đi vậy. Điều này giải thích tại sao nhiều người hồi đi học rất thông minh, thi cử giỏi giang không kém ai, nhưng ra đời không thành công như bạn bè cùng trang lứa. Giải thích theo Limiting Factor thì có thể anh ta giỏi về năng lực nghề nghiệp, nhưng lại bị những yếu tố giới hạn, như tính cách chẳng hạn, mà các bạn anh ta - những người đang thành công hơn không vướng phải.

Đối với nhân sự, mỗi người đều có thể có hàng tá những tính cách mang tính Limiting Factors giới hạn sự thành công của mình: tính vô trách nhiệm, tính luộm thuộm, vô kỷ luật, thiếu kế hoạch, hay sai hẹn, ngại giao tiếp, thích nhậu nhẹt, hay bông lơn, thiếu hài hước, tính sợ Tây, hấp tấp vội vàng, quá chân thật, ngây thơ, quá ít nói hay kiệm lời, tính nói quá nhiều, thích chém gió, tính suồng sã, tính dặt dẹo, thiếu khả năng diễn đạt, tính lắng nghe kém, tính hiếu thắng, tính sợ đám đông, lười nhác, ngủ muộn, tính hay chỉ trích, trù dập, tính bài bạc, tính tham lam, ganh ghét, tính ngại giao hệ giao tiếp, tính lăng nhăng…

Một bạn lập trình giỏi nhưng luộm thuộm và thiếu kỷ luật rất khó thăng tiến. Một bạn bán hàng đầy kỹ năng nhưng luôn sai hẹn hẳn không thể thành công. Và một người uyên bác, tầm nhìn rộng nhưng thiếu kỹ năng diễn thuyết hoặc lười quan hệ chắc chắn không thể trở thành một lãnh đạo tốt.

Đối với nhân viên, việc phát huy các sở trường của mình sẽ là quan trọng hơn vì yếu tố giới hạn của các nhân viên sẽ được bổ khuyết bởi đồng nghiệp và hạn chế tối đa thông qua kỹ năng làm việc nhóm. Nhưng đối với lãnh đạo, thường là những kẻ cô đơn, việc hạn chế tiến tới loại bỏ các yếu tố giới hạn lại chính là chìa khóa cho các bước thành công tiếp theo.

Đối với một tổ chức, người lãnh đạo chính là yếu tố giới hạn của tổ chức đó. Một công ty sẽ chỉ phát triển được đến ngưỡng bị hạn chế bởi tầm của CEO. Khi đó, công ty chỉ có thể phát triển lên một tầm khác khi thay CEO mới, hoặc CEO cũ phải tự hạn chế hoặc loại bỏ được các yếu tố giới hạn đang cản trở bản thân và qua đó, cản trở cả tổ chức.

Không phải ai cũng có thể nhìn ra yếu tố giới hạn của mình, nhưng dù sao nhìn ra được còn là dễ. Để hạn chế hoặc loại bỏ hẳn nó mới là điều khó khăn, đòi hỏi một nghị lực phi thường mà ít người làm được. Những người đó thường dễ có thành công lớn.

Tôi có ông em xin được giấu tên, là luật sư giỏi, uyên bác đông tây kim cổ, hành xử chuẩn mực trước sau nhưng đường hoạn lộ thì rất gian nan vất vả. Tán gẫu với nhau hắn vẫn khoe bộ răng xấu kinh hoàng của hắn là quý tướng. Tôi cười bảo răng chính là limiting factor của chú, sửa đi. Hắn nghe lời, bỏ ra 30 triệu làm lại quả răng. Quả nhiên sau trúng cử đại biểu, lên ầm ầm như diều gặp gió. Cũng may là sửa răng dễ hơn nhiều so với sửa tính cách.

Còn yếu tố giới hạn của bạn là gì? Nguồn: https://www.facebook.com/notes/hoang-to/y%E1%BA%BFu-t%E1%BB%91-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-limiting-factors/10152318107858293

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Thêm câu truyện về bài học cho và nhận

Sống có giá trị và thành công sẽ tự đến. Xin chia sẻ với các bạn câu chuyện sau đây.

"Câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1892 tại trường đại học Stanford.
Một sinh viên 18 tuổi đang cố xoay sở để trả học phí. Cậu mồ côi và không biết nhờ cậy vào ai để xin tiền. Rồi cậu nghĩ ra một cách thật hay ho. Cậu và một người bạn quyết định tổ chức một buổi hòa nhạc tại trường để gây quỹ kiếm tiền trả học phí cho cả hai.
Họ tìm đến nhà dương cầm nổi tiếng Ignacy J. Paderewski. Ông bầu của nhạc sĩ yêu cầu các cậu phải đảm bảo thanh toán một khoản thù lao là 2.000$ cho buổi độc tấu dương cầm. Giao kèo được thỏa thuận và hai cậu sinh viên bắt tay tổ chức để buổi biểu diễn được thành công.
Ngày trọng đại đó rồi cũng đến. Paderewski biểu diễn tại Standford. Nhưng không may, hai bạn trẻ không thể xoay sở để bán hết số vé. Tổng số tiền mà họ thu được chỉ vỏn vẹn 1.600 $. Thất vọng, họ tìm đến Stanford để giải thích hoàn cảnh của họ. Hai cậu sinh viên trao hết 1.600$ cho Paderewski cùng tấm chi phiếu 400$ cho khoản tiền còn thiếu với lời hứa rằng họ sẽ tranh thủ thanh toán tấm séc này sớm nhất.
Paderewski nói, “Không, việc này không thể chấp nhận được.” Ông xé tấm chi phiếu, đưa lại 1.600 $ cho hai cậu sinh viên và nói: “Đây là 1.600$. Hãy thanh toán mọi chi phí mà các bạn còn thiếu nợ, giữ số tiền mà các bạn cần để thanh toán học phí, tôi chỉ lấy phần tiền còn dư.” Hai cậu sinh viên ngạc nhiên và rối rít cám ơn Paderewski.
Nó chỉ là một nghĩa cử nhỏ bé thể hiện một tấm lòng tử tế, nhưng rõ ràng cho thấy rằng Paderewski là một con người có nhân cách lớn.
Tại sao ông ta phải giúp hai thanh niên mà ông chẳng hề quen biết. Chúng ta ai cũng tình cờ gặp những tình huống như vậy trong đời mình. Và hầu hết chúng ta chỉ nghĩ: “Nếu giúp họ, chuyện gì sẽ xảy ra cho ta?” Nhưng những con người vĩ đại thì lại nghĩ rằng: “Nếu ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra cho họ?” Họ giúp và không mong có sự đền đáp. Họ làm điều đó vì họ cảm thấy rằng đó là một việc đúng cần phải làm.
Paderewski sau đó trở thành Thủ tướng của Ba Lan. Ông là một nhà lãnh đạo tài ba nhưng không may, chiến tranh Thế giới xảy ra, Ba Lan bị tàn phá. Hơn 1,5 triệu người dân trong nước lâm vào cảnh đói và không có tiền để cung cấp cái ăn cho họ. Paderewski không biết cầu cứu ở đâu, ông quyết định tìm đến Tổ chức Cứu trợ Lương thực Hoa Kỳ để xin giúp đỡ. Lãnh đạo của tổ chức này lúc bấy giờ là Herbert Hoover, sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Hoover đồng ý giúp và nhanh chóng gửi hàng tấn ngũ cốc để cứu đói cho người dân Ba Lan.
Thảm họa được đẩy lùi. Thủ Tướng Paderewski cảm thấy nhẹ nhõm. Ông quyết định sang Mỹ gặp Hoover để đích thân cảm ơn. Khi Paderewski bắt đầu nói lời cảm ơn Hoover vì nghĩa cử cao thượng của ông, thì Hoover vội cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi, thưa Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ câu chuyện này, nhưng vài năm trước, ngài đã giúp hai cậu sinh viên trẻ tuổi tiếp tục học đại học tại Hoa Kỳ, và tôi là một trong hai sinh viên ấy.”
Ignacy J. Paderewski


(Nguồn: daihochoasen.org)

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Bài học từ chai sữa đổ !

Năm 19 tuổi, tôi thường sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm. Bài làm có chỗ nào sai sót là tôi tự giày vò mình một cách khổ sở. Trước mỗi kỳ thi, tôi thức thâu đêm để cắn móng tay vì sợ thi rớt.

Tôi sống với tâm trạng luôn suy nghĩ về những việc mình đã làm, để hối tiếc những sai lầm mà mình đã phạm phải, đắn đo đến cả những câu đã nói để rồi tự trách mình sao chẳng nói thế này, thế kia có hỗn hay không!

Thế rồi một buổi sáng, khi lớp học tập trung tại phòng thí nghiệm sinh học do giáo sý Brandwine phụ trách, chúng tôi thấy trên bàn, trước mặt giáo sư có một chai sữa. Chúng tôi phân vân không biết chai sữa kia có liên quan gì đến bài thực hành hôm đó. Bỗng nhiên giáo sư Brandwine đứng phắt dậy, tay gạt chai sữa làm nó rơi mạnh vào bồn rửa tay. Rồi ông nói to: “Đừng than tiếc chỗ sữa đổ”.

Chai sữa

Ông bảo chúng tôi lại gần: “Hãy nhìn cho kỹ vì tôi muốn các em nhớ bài học này suốt đời. Chỗ sữa kia đang chảy hết xuống ống cống, bây giờ dù các em có bứt tóc, dằn vặt mình đi chăng nữa cũng không thể thu lại được một giọt. Suy nghĩ một chút, cẩn thận một chút thì có lẽ chỗ sữa kia đã không bị ta làm đổ mất. Bây giờ trễ quá rồi và ta chỉ còn có thể quên phứt nó đi và làm việc khác”.

Bài học đó cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Và trong cuộc sống, nó đã giúp ích nhiều cho tôi hơn bất cứ môn học nào khác. Nó dạy tôi cố gắng đừng làm đổ sữa, nếu có thể; những khi đã lỡ làm đổ thì phải biết cách quên nó đi để làm sang chuyện khác...
DALE CARNEGIE

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

*SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐỘNG VIÊN*


Năm 14 tuổi, cô gái Bella sống ở ngoại ô thành phố Ontario phải bỏ học để kiếm việc phụ giúp gia đình. Học hành dở dang khiến cô gái vốn nhút nhát lại càng thêm mặc cảm. Cứ mỗi sáng, mang theo hy vọng mong manh, Bella đón xe buýt lên hai thành phố lớn để tìm việc làm. Nhưng cô rụt rè đến mức chẳng dám gõ cửa xin việc ở bất kỳ đâu, Bella cứ bước vu vơ trên đường và buồn bã trở về nhà khi trời chạng vạng.

>> Giá trị của nguồn động viên
Một ngày, Bella chợt nhìn thấy trước cửa công ty Carhartt Overalls treo một tấm bìa: “Cần tuyển thư ký, mời vào trong”. Dè dặt bước vào gian tiền sảnh rộng lớn, Bella thận trọng gõ cánh cửa đầu tiên và gặp người quản lý tên là Margaret. Margaret dẫn Bella tới một căn phòng nhỏ, đưa cho cô một bức thư để đánh máy. “12h tôi sẽ quay lại. Cố gắng nhé!” - Margaret vỗ nhẹ vai Bella rồi bước ra khỏi phòng. Chỉ còn mình Bella trong căn phòng với chiếc máy chữ và một tờ giấy đặc chữ. Lần đầu tiên thử việc, lần đầu tiên “sờ” tới máy chữ, Bella rất lo âu.

Phải loay hoay một lúc với cái máy chữ, Bella mới biết cách sử dụng. Lần đầu tiên, Bella đánh xong dòng thứ nhất, 10 từ thì sai tới 8 lỗi. Đồng hồ chỉ 11h30, mọi người phòng trên đã gọi nhau chuẩn bị đi ăn trưa. Bella nghĩ mình sẽ lẫn vào dòng người đi ăn trưa đó và bỏ về. Bella rút tờ giấy ra khỏi máy, vò nát trước khi lại ném vào sọt rác và ngước nhìn đồng hồ. 11h45, Bella bối rối với suy nghĩ: “Mình sẽ lẫn vào đám đông và cô Margaret sẽ không bao giờ nhìn thấy mình nữa. Nhưng… dù sao cũng phải đánh cho xong bức thư”. Sắp hết giờ, công việc vẫn ì ạch với chi chít lỗi. 11h55, “Chỉ còn 5 phút nữa sẽ được tự do” - Bella thở dài.

Cánh cửa bật mở, cô Margaret đi thẳng tới chỗ Bella, một tay đặt lên vai cô bé trong khi không ngừng đọc lá thư. Đột nhiên cô dừng lại và nói: “Cháu làm tốt lắm!”. Bella ngạc nhiên, hết nhìn lá thư rồi nhìn cô Margaret, nỗi lo lắng bỗng tan biến, sự phấn khích trỗi dậy và lòng quả quyết của Bella cứ thế tăng dần. “Nếu cô ấy nghĩ mình làm tốt thì càng phải làm tốt hơn. Mình sẽ làm việc ở đây”.
Và Bella đã ở lại hãng Carhartt Overalls tới 51 năm và trở thành Tổng giám đốc Công ty Carhartt Overalls chỉ vì ở đó người ta đã tặng cho cô bé nhút nhát năm ấy sự tự tin.

http://mayman.nhungdieuthuvi.com/2013/08/gia-tri-cua-nguon-ong-vien.html


LỜI BÌNH

Một lời khen ngợi, động viên chân thành sẽ làm cho người nhận luôn muốn cố gắng phấn đấu để xứng đáng với lời khen. Từ những nỗ lực, họ sẽ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Điều này cũng sẽ giúp cho đội ngũ, tổ chức phát triển một cách mạnh mẽ và đột phá. Vì thế, đừng tiếc những lời tặng lời động viên, những khen tặng cho đồng nghiệp, bạn bè của mình

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10202990128492491&set=a.1132862360071.2020395.1182648180&type=1&permPage=1

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

15 bí quyết của người có khả năng tập trung cao độ

Những người thành công nhất trên thế giới này cũng chính là những người có khả năng tập trung cao độ. Họ tập trung hoàn toàn vào những công việc của hiện tại. Thói quen này giúp họ hoàn thành mọi việc nhanh và chính xác hơn, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của tốt hơn.
Tập trung - Focus


1. Họ không ngồi lê đôi mách.

Những người tập trung cao độ không bao giờ đi ngồi lê đôi mách. Họ có những việc hữu ích hơn để làm. Những người hay đi ngồi lê đôi mách là người nông cạn và cuộc sống riêng tư với họ không bao giờ là đủ. Mặt khác, tại sao bạn lại đi quan tâm chuyện người ta làm gì? Ngồi lê đôi mách chỉ nói lên bạn là người hay ganh ghét và thảm hại mà thôi.

2. Họ không làm nhiều việc cùng một lúc.


Những người có sức tập trung cao không bao giờ làm nhiều việc cùng một lúc. Họ tập trung vào một việc duy nhất để nâng cao năng suất và sự chính xác tỉ mỉ. Nghiên cứu cho thấy não bộ con người có thể giải quyết hai công việc phức tạp cùng lúc mà không gặp nhiều khó khăn vì có hai thùy não để phân chia công việc một cách cân bằng. Tuy nhiên, chỉ cần làm thêm việc thứ ba là đã vượt quá khả năng não bộ và các sai lầm khi bạn làm việc bắt đầu tăng dần lên.

3. Họ không trì hoãn.

Có thể họ sẽ dừng công việc trong vài tiếng đồng hồ bởi nó quá nặng nề và phức tạp, nhưng họ vẫn cố thúc đẩy bản thân và hoàn thành nó càng sớm càng tốt. Nói cách khác, họ biết rõ rằng việc hôm nay chớ để ngày mai.

4. Họ không cho phép những phiền nhiễu làm xao nhãng công việc của họ.

Những người như vậy luôn có cách để loại bỏ mọi phiền phức sẽ cản trở họ hoàn thành công việc của mình. Dù đó là chuông báo có email, thông báo của mạng xã hội hay những con người đến và tìm cách lôi họ ra khỏi công việc, những người tập trung cao độ sẽ loại bỏ tất cả trước khi những điều đó phá hỏng thời gian lao động năng suất của họ. Họ biết những phiền nhiễu đó chỉ khiến họ mất tập trung, gây ra stress và cản trở họ hoàn thành công việc, đạt được mục tiêu.

5. Họ không cần sự công nhận của người khác.

Những người có sức tập trung cao không cần sự cho phép của bất kỳ ai vì họ biết rõ giá trị của bản thân. Họ làm việc vì bản thân và tin rằng những gì họ làm sẽ giúp ích cho tương lai của họ. Họ không băn khoăn với những ý kiến của người khác và không sống vì hy vọng của bất kỳ ai. Họ chỉ đơn giản là tập trung vào công việc giúp nâng cao chuyên môn cá nhân của họ.

6. Họ không sống vô tổ chức.

Những người tập trung cao độ ghét nhất là sự vô tổ chức. Họ cho rằng như vậy sẽ khiến cuộc đời thêm stress, cản trở sự sáng tạo và làm mất vô số thời gian quý báu để hoàn thành công việc. Họ sắp xếp mọi thứ chỗ nào ra chỗ nấy để có thể dễ dàng tìm ra khi cần. Bạn nghĩ rằng mình tuy lộn xộn nhưng vẫn có thể hoạt động hết công suất, nhưng trnog thực tế, bạn đang kìm hãm bản thân khỏi năng suất cao hơn và hiệu quả hơn đấy.
Họ không sống vô tổ chức.


7. Họ không đưa ra những lí do ngớ ngẩn để khỏi phải làm việc.

Họ biết rằng chúng ta không thể cứ đợi đến một thời điểm hay điều kiện nào đó hoàn hảo để làm việc. Thậm chí nếu cứ chờ thì thời điểm đó cũng không bao giờ đến. Đừng nói rằng bạn không đủ thời gian. Bạn cũng có quỹ thời gian hàng ngày bằng với Sir Richard Branson, Mark Zuckerberg và Tổng thống Obama.

8. Họ không sống trong quá khứ.

Những người biết cách tập trung làm việc không mãi bám víu vào quá khứ. Họ không khẳng định mình dựa trên những gì đã làm được trong quá khứ. Họ đơn giản là chấp nhận mọi thứ, những gì đã qua thì cho qua và tin tưởng vào tương lai. Mong muốn thành công của họ to lớn hơn nhiều nỗi sợ thất bại vì vậy họ luôn học hỏi từ thất bại và đứng lên bước tiếp. Những lỗi lầm có thể gây tổn thương một thời gian, nhưng cuối cùng nhờ nó bạn sẽ thông minh hơn và mạnh mẽ hơn nhiều.

9. Họ không nhanh nhảu đoảng.

Những người biết tập trung không làm mọi việc vội vàng. Họ dành thời gian suy nghĩ thông suốt và cân nhắc những lựa chọn kĩ càng để đạt được mục đích. Họ biết không phải cứ lấp lánh là vàng. Thay vì thế, họ tự tạo sự thoải mái trong công việc, ăn mừng vì những gì đạt được và cầu mong sự nghiệp ngày càng thuận lợi. Họ không bỏ dự án đang làm để nhảy sang một cái gì “to lớn” hơn. Họ trung thành với mục tiêu và giữ chắc lời hứa thực hiện giấc mơ của mình kể cả ngày nắng hay ngày mưa.

10. Họ không tránh né rủi ro.

Những người biết cách tập trung không sợ rủi ro. Họ biết rằng cuộc đời tự nó đã là một rủi ro vĩ đại rồi vì vậy không cần phải hối tiếc. Họ nắm bắt thời cơ vì chẳng mấy chốc chúng sẽ biến mất và không xuất hiện lại nữa. Luôn giữ mình ở vòng an toàn có thể giúp bạn an tâm bây giờ nhưng trong dài hạn sẽ để lại nhiều nỗi đau. Những người tập trung cao độ không chỉ biết tính toán rủi ro mà còn học được nhiều điều từ cả tiêu cực lẫn tích cực của rủi ro.

11. Họ không dính vào những việc không phải của mình.

Họ chỉ lo toan vấn đề của cá nhân chứ không phải chuyện nhà người ta. Họ không dính líu đến đời tư của người khác trừ khi đó là công việc của họ hoặc điều đó là thực sự cần thiết. Họ chỉ hoàn toàn quan tâm đến việc của bản thân và tập trung vào những ưu tiên hàng đầu. Những người toàn đi lo chuyện bao đồng chỉ gây khó chịu cho người khác, đánh mất định hướng và giá trị bản thân mà thôi.

12. Họ không so sánh mình với người khác.

Họ không so sánh mình với người khác bởi họ hài lòng với bản thân mình. Họ biết so sánh mình với người khác chỉ làm giảm tinh thần, cảm thấy thua kém, trong khi thực tế bạn có năng lực bình thường, sự phát triển và tiến bộ không thua kém bất kỳ ai. Những người có tập trung sẽ xem xét thành tích của người khác để xác định những gì họ cần làm, nhân rộng thành công cho chính mình. Điều này giúp họ năng động hơn, tràn đầy sinh lực để tiếp tục hướng tới mục tiêu và ước mơ của họ.

13. Họ không mong chờ những điều hão huyền.

Những người có tập trung cao thường rất thực tế. Họ không mong đợi cuộc đời luôn suôn sẻ hoặc có thể nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề. Thay vào đó, họ nhảy vào những vấn đề đó với những mong muốn thực tế và chuẩn bị sẵn sàng cho khoảng thời gian khó khăn sắp tới. Mong chờ viển vông chỉ dẫn đến những thất vọng và thất vọng mà thôi. Dù sao, sự thông minh, thực tế và những mong đợi có thể đạt được giúp bạn làm việc suôn sẻ mà không phải chịu áp lực quá nặng nề.

14. Họ không đồng ý với tất cả mọi việc.

Người biết tập trung nhận ra họ không phải kẻ luôn đi làm hài lòng người khác. Họ thấy không cần thiết phải đồng ý làm mọi việc cho tất cả mọi người. Họ biết bản thân chẳng thể làm hài lòng tất cả và thỉnh thoảng nói “không” chẳng chết ai cả. Do đó, họ sẽ nhẹ nhàng nói “không” với những việc không đem lại lợi ích gì cả hoặc không giúp họ đạt được mục tiêu. Điều đó giúp bạn tập trung vào những việc quan trọng.

15. Họ không từ bỏ.

Những người tập trung cao độ không bao giờ bỏ cuộc. Họ biết không ai thành công nếu chấp nhận bỏ cuộc. Những người thành công và thực hiện được những giấc mơ của mình là những người luôn chăm chỉ làm việc và cố gắng vượt qua khó khăn. Những người thành công không bao giờ từ bỏ. Những người không biết tập trung sẽ bỏ cuộc ngay khi gặp tí chút rắc rối; còn những người tập trung sẽ tiếp tục cố gắng khi người khác đã bỏ cuộc.

Nguồn: http://www.yan.vn/ban-biet-chua-15-dieu-nhung-nguoi-co-kha-nang-tap-trung-cao-khong-bao-gio-lam-25960.html

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

14 điều người giàu nghĩ khác người thường

Người nghèo thích hoài niệm về quá khứ, mơ trúng số trong tương lai và mê đọc báo lá cải. Trong khi người giàu không ngừng hành động, bắt đam mê đẻ ra tiền và tìm được sự thanh thản nhờ tiền bạc.

Người phụ nữ giàu nhất thế giới Gina Rinehart từng gây xôn xao dư luận sau phát biểu của mình, cho rằng những ai đang ghen tị với khối tài sản của bà nên ngừng "uống rượu, hút thuốc và đàn đúm" để làm việc khác có ích cho tương lai của mình.

Steve Siebold - tác giả của cuốn sách "Người giàu nghĩ thế nào", cho rằng quan điểm của bà Gina Rinehart cũng đáng được lưu tâm. Ông đã dành gần 3 thập niên để phỏng vấn nhiều triệu phú vòng quanh thế giới để tìm hiểu xem điều phân biệt họ với những người còn lại là gì. Ông phát hiện ra rằng điểm khác giữa người giàu và người nghèo không phải ở tiền bạc, mà là cách nghĩ.

Sau đây là 14 điều đáng chú ý nhất trong cuốn sách của Steve Siebold:

Cách nghĩ của người giàu có

1. Người nghèo nghĩ tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Người giàu nghĩ rằng đói nghèo là nguồn gốc của mọi tội lỗi.

"Hầu hết những người có tài sản trung bình cho rằng người giàu thật may mắn và không thật thà", Siebold viết trong cuốn sách. Đó là lý do trong cộng đồng những người có thu nhập thấp, khái niệm "giàu lên" đi cùng với nỗi xấu hổ. Trong khi đó, tầng lớp giàu có cho rằng tiền bạc không đảm bảo hạnh phúc, nó chỉ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng và mang tính tận hưởng.

2. Người nghèo thường nghĩ rằng sự ích kỷ là thói xấu xa. Còn người giàu nghĩ đó là một món quà.

"Người giàu đi đây đó và tìm cách làm cho bản thân họ cảm thấy vui vẻ. Họ không cần phải giả vờ đang đi cứu cả thế giới", Siebold nói. Vấn đề là người nghèo thấy việc này thật tiêu cực, và xem đây là nguyên nhân khiến họ tiếp tục nghèo, tác giả viết trong cuốn sách. "Nếu bạn không quan tâm đến chính bản thân bạn, bạn không thể giúp ai khác. Bạn không thể cho người khác thứ mà bạn không có", ông viết tiếp.

3. Người nghèo mơ về việc trúng số. Người giàu mơ về việc hành động.


"Trong khi số đông đại chúng chờ đến ngày trúng số và cầu mong thịnh vượng, thì những cá nhân xuất sắc tìm cách giải quyết vấn đề của mình", Siebold viết, "Phần lớn người nghèo đang chờ đợi Chúa, chính phủ, ông chủ hoặc người bạn đời giàu có. Nhưng trong khi họ tiếp tục có những suy nghĩ đó thì đồng hồ vẫn đang tiếp tục chạy, thời giờ ngày một trôi qua".

4.Người nghèo nghĩ rằng đường đến ngày giàu có được trải thảm bởi nền giáo dục chính thống. Người giàu tin vào sự lĩnh hội những kiến thức cụ thể.

Nhiều người giàu xuất chúng không được hưởng nền giáo dục chính quy. Họ tích lũy khối tài sản thông qua quá trình lĩnh hội nhiều loại kiến thức. Trong khi đó, phần đông tầng lớp nghèo hơn cho rằng bằng Cử nhân, Tiến sĩ mới là con đường làm giàu, chủ yếu vì họ bị kìm kẹp trong lằn ranh suy nghĩ cản trở họ đạt đến mức ý thức cao hơn. Người giàu không quan tâm đến phương thức, chỉ quan tâm đến kết quả.

5. Người nghèo luôn hoài niệm về những ngày đẹp đẽ trong quá khứ. Người giàu mơ về tương lai.

"Những triệu phú làm giàu từ hai bàn tay trắng phất lên nhờ họ luôn đặt cược vào bản thân và tự tay thiết kế giấc mơ, mục tiêu và ý tưởng của mình trong một tương lai lâu dài, Siebold viết, "Còn người nào tin rằng những ngày đẹp đẽ nhất của họ là ngày hôm qua sẽ hiếm khi giàu lên, và thường phải đấu tranh với sự bất hạnh hay nỗi thất vọng trong hiện tại.

6. Người nghèo kiếm tiền bằng cách làm những thứ họ không thích. Người giàu theo đuổi đam mê.

"Với những người thông thường, họ nghĩ rằng người giàu khi nào cũng làm việc", Siebold nói. "Nhưng một trong những phương pháp thông minh nhất của người giàu là làm thứ họ thích và tìm ra cách để được trả tiền vì điều nó", ông nói tiếp. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu làm những công việc họ không thích vì họ cần tiền và vì họ được dạy ở trường để làm điều đó. Ngoài ra, họ cũng sống trong một xã hội luôn nói rằng kiếm tiền đi liền với nỗ lực về mặt tinh thần và thể chất.

7. Người nghèo đặt ra các kỳ vọng nhỏ để không bị thất vọng. Người giàu không ngại thử thách.

"Các nhà tâm lý, tâm thần học luôn khuyên người ta nên đặt ra các mục tiêu nhỏ trong cuộc đời để đảm bảo rằng họ sẽ không rơi vào trạng thái thất vọng", Siebold nói. Trong khi đó, theo những gì ông khảo sát được. không ai vươn đến mục tiêu giàu có và sống cuộc đời như mơ mà không phải trải qua những ngày đặt ra các kỳ vọng khổng lồ.

8. Người nghèo nghĩ rằng họ phải làm gì đó để trở nên giàu có. Người giàu nghĩ về việc làm gì để trở nên giàu có.

"Đó là lý do những người như Donald Trump đi từ triệu phú thành con nợ 9 tỷ USD và sau đó trở nên giàu có hơn bao giờ hết", tác giả viết.

"Trong khi số đông đang đắm đuối với việc làm để tận hưởng kết quả ngay lập tức của những gì họ làm, những cá nhân xuất chúng đang học hỏi và phát triển từ mọi kinh nghiệm mà họ có, dù đó là thành công hay thất bại. Họ biết rằng phần thưởng thật sự là trở thành một cá nhân thành công và cuối cùng thì họ sẽ có được những kết quả rực rỡ nhất.

9. Người nghèo tin rằng họ cần có tiền để làm ra tiền. Người giàu dùng tiền của người khác.

Suy nghĩ truyền thống khiến người ta tin rằng cần kiếm được tiền mới có thể có vốn để kiếm tiền tiếp. Nhưng Siebold tin rằng người giàu không ngại đầu tư cho tương lai của mình bằng tiền lấy từ túi người khác. "Người giàu cho rằng câu nói không đủ tiền để mua gì đó là không thích hợp. Câu hỏi thực sự là: "Cái này có đáng mua, đáng đầu tư hay theo đuổi hay không", tác giả viết tiếp.


10. Người nghèo tin rằng thị trường được vận hành bởi logic và phương pháp. Người giàu biết rằng chúng được vận hành bởi cảm xúc và lòng tham.

Đầu tư thành công trong thị trường chứng khoán không chỉ là vấn đề thuộc lòng công thức toán học. "Người giàu biết rằng thứ đang dẫn dắt thị trường tài chính là nỗi sợ hãi và lòng tham. Họ áp dụng công thức này vào mọi giao dịch", Siebold viết. Nhờ am hiểu về bản chất con người và những ảnh hưởng của chúng trên thị trường giao dịch khiến họ ngày một giàu thêm.

11. Người nghèo để tiền bạc làm họ bị stress. Người giàu tìm được sự thanh thản trong tâm hồn nhờ tiền bạc.

Lý do người giàu có thể càng kiếm được nhiều tiền nhờ việc họ không ngại thừa nhận rằng tiền có thể giải quyết được hầu hết mọi vấn đề, tác giả của quyển sách nói. "Còn tầng lớp thông thường xem tiền bạc như là cái xấu không bao giờ chấm dứt mà họ phải chấp nhận là một phần của cuộc sống. Người giàu xem tiền là phương tiện cứu rỗi, mà nếu có đủ, họ sẽ mua được sự thanh thản trong tâm hồn về mặt tài chính.

12. Người nghèo thích được giải trí hơn là được giáo dục. Người giàu thích giáo dục hơn giải trí.

Dù nhiều người giàu xuất chúng không trải qua trường lớp đào tạo chính quy, họ vẫn rất coi trọng sức mạnh của việc học tập lâu dài, không chỉ trong trường đại học, Siebold viết. "Bước chân vào nhà của một người giàu có, một trong những thứ đầu tiên bạn nhìn thấy là một thư viện cỡ lớn chứa đầy sách", tác giả viết. "Trong khi đó, tầng lớp trung lưu đọc tiểu thuyết, báo lá cải và các tạp chí giải trí". ông viết tiếp.

13. Người nghèo nghĩ rằng người giàu là những kẻ hợm hĩnh. Người giàu chỉ muốn kết giao với những người có tư tưởng giống mình.


Suy nghĩ tiêu cực về tiền bạc vốn đầu độc người nghèo chính là lý do khiến người giàu chỉ kết giao với người giàu, tác giả viết. Người giàu không thể hiểu được thông điệp của sự bất hạnh và não nề. Số đông lại xem đây là biểu hiện của thói hợm hĩnh. Và khi gán cho những người siêu giàu cái mác hợm hĩnh, tầng lớp trung lưu trở xuống cảm thấy hài lòng hơn về bản thân mình, và về con đường "xoàng xĩnh" mà họ đã chọn.

14. Người nghèo tập trung vào tiết kiệm. Người giàu tập trung kiếm tiền.

Siebold khái quát rằng người giàu tập trung vào những gì họ có thể đạt được bằng cách sẵn sàng mạo hiểm, hơn là tìm cách giữ chặt những gì họ có. "Số đông mọi người quá tập trung vào việc cóp nhặt các coupon giảm giá và sống khổ hạnh, vì thế họ bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn trong cuộc đời", ông viết.

"Ngay cả giữa cuộc khủng hoảng dòng tiền như hiện nay, người giàu vẫn từ chối lối suy nghĩ thắt chặt của số đông. Họ là bậc thầy của việc tập trung năng lượng tinh thần vào nơi nên tập trung: Những cục tiền lớn.

Anh Đức (theo Business Insider)



Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Câu chuyện về viên kim cương và những chướng ngại vật trong cuộc sống

Một doanh nhân đã mua một viên kim cương khổng lồ ở Nam Phi, kích thước của nó bằng lòng đỏ trứng gà. Người đàn ông rất buồn vì phát hiện ra một vết nứt bên trong viên đá quý này. 

>> 3 câu chuyện cuộc đời của Steve Jobs

Ông ta đưa viên kim cương cho thợ kim hoàn xem với hy vọng được tư vấn sẽ làm gì với cái vết nứt đó. Ông thợ lắc đầu và nói:

- Viên kim cương này có thể chia ra làm 2 phần, và mỗi phần sẽ đắt hơn chính viên to này. Nhưng vấn đề là chỉ cần một nhát đập bất cẩn là ta có thể sẽ làm vỡ viên đá quý kỳ diệu của thiên nhiên, biến nó thành hai cục đá sứt mẻ.

Viên kim cương

Những viên kim cương ta nhận được sẽ rẻ hơn viên to này rất nhiều, và có thể sẽ chẳng có giá trị gì. Tôi sẽ không liều mà nhận làm việc này đâu. Và những người thợ ở các nước khác nhau cũng kể cho ông những điều có thể xảy ra và cũng không dám giúp ông.

Sau đó ông được mọi người giới thiệu một ông thợ có bàn tay vàng ở Amsterdam. Và doanh nhân này ngay lập tức bay đến Amsterdam để tìm người thợ cao tuổi đó.

Ông thợ ngắm nghía viên đá quý qua kính lúp với vẻ mặt thích thú, và bắt đầu cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra. Ngắt lời ông thợ, doanh nhân nói rằng ông đã nghe về câu chuyện này quá nhiều rồi và đã thuộc nó làu làu.

Ông thợ đồng ý giúp và ra giá dịch vụ. Khi ông chủ viên kim cương đồng ý, người thợ gọi cậu học nghề trẻ tuổi đang ngồi ở phía sau chăm chú công việc của mình. Cầm viên kim cương, cậu dùng búa đập một nhát dứt khoát, chia viên đá quý ra làm đôi mà không chút rụt rè, rồi đưa cho ông thợ. Doanh nhân quá đỗi bất ngờ hỏi:

- Cậu bé đó làm chỗ ông lâu chưa?

- Mới có 3 ngày. Nó vẫn chưa biết giá trị của viên đá quý này cho nên tay nó không run và rất dứt khoát.

Hãy coi tất cả những việc khó khăn trong cuộc sống đều có thể giải quyết được dễ dàng và đừng vẽ cho mình những chướng ngại vật làm bạn không thể vượt qua.